Công nghệ số, giống và chế biến là trụ cột chính của ngành lâm nghiệp
08:09 18/11/2024Số lượt xem: 1

Tại Hội thảo Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững sáng 15/11, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, một thời gian dài, ngành lâm nghiệp tập trung vào việc tăng tỷ lệ che phủ rừng, lấy động lực thị trường làm sức bật tăng trưởng. Nguyên Bộ trưởng cho rằng công nghệ số, giống và chế biến sẽ là những trụ cột chính của ngành lâm nghiệp

Tại Hội thảo Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững sáng 15/11, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, một thời gian dài, ngành lâm nghiệp tập trung vào việc tăng tỷ lệ che phủ rừng, lấy động lực thị trường làm sức bật tăng trưởng. Nguyên Bộ trưởng cho rằng công nghệ số, giống và chế biến sẽ là những trụ cột chính của ngành lâm nghiệp.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm Đào tạo - Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế tại khuôn viên Trường Đại học Lâm nghiệp

 

Giai đoạn mới, ngành lâm nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức, như: các vụ vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra, khai thác thác tài nguyên rừng không bền vững dẫn đến suy thoái hệ sinh thái rừng; cạnh tranh thương mại đối với các mặt hàng từ gỗ ngày càng lớn, đòi hỏi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của sản phẩm từ rừng...

Do đó, nguyên Bộ trưởng cho rằng, cần tăng cường các giải pháp quản lý hiệu quả hơn để quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng bền vững, đồng thời, nâng cao giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng và đảm bảo các sản phẩm lâm sản có nguồn gốc hợp pháp.

"Giờ là lúc chúng ta cần phát triển đồng thời, vừa duy trì động lực từ thị trường, vừa khai phá thêm động lực mới từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo", ông Phát nói.

Lấy ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) chỉ ra, phải mất hàng chục năm, giá gạo Việt Nam mới tăng từ 450 lên 600 USD/tấn. Tuy nhiên, chỉ cần một sản phẩm công nghệ - gạo ST25 - ngưỡng 1.000 USD/tấn đã được chinh phục trong vòng vài năm.

Trên cơ sở đó, ông Cao Đức Phát đề xuất các đơn vị liên quan trong ngành lâm nghiệp nên tìm kiếm những giá trị mới, giá trị tăng thêm, xây dựng ngành lâm nghiệp bền vững vì sinh kế của hơn 20 triệu người dân đang sống dựa vào rừng.

Với riêng Trường Đại học Lâm nghiệp, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhắn nhủ, nhà trường phải là đơn vị tiên phong trong việc phổ biến những công nghệ sinh học mới như chỉnh sửa gen để các giống mới có thể được sản xuất nhanh hơn, chinh xác hơn và rẻ hơn khi đến tay chủ rừng.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại Hội thảo

"Phát triển khoa học công nghệ, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là con người. Từ đó, chúng ta mới có thể nảy ra các sáng kiến", ông bày tỏ.

Chia sẻ thêm về các công nghệ đang ứng dụng trong ngành lâm nghiệp, Cục trưởng Trần Quang Bảo cho biết, công nghệ về giống giúp nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Điều này đặc biệt hữu ích khi Việt Nam mỗi năm trồng tái canh khoảng 260.000ha rừng và dư địa phát triển diện tích trồng rừng không nhiều.

Theo ông Bảo, năng suất gỗ rừng trồng trung bình của nước ta hiện khoảng 15-18 m3/ha/năm, khá thấp so với năng suất trong mô hình khảo nghiệm là 30 m3/ha/năm. Do đó, việc nghiên cứu, chọn tạo ra các giống mới không những giúp mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, mà còn thuận tiện cho việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, hay mới đây là mã số vùng trồng rừng.

Bên cạnh công nghệ giống, công nghệ số trong viễn thám để kiểm tra, giám sát hiện trạng rừng, cũng như cập nhật dữ liệu rừng, cảnh báo cháy rừng... một cách tự động, giúp cán bộ kiểm lâm địa bàn nắm chắc các biến động về rừng. Từ đó, giúp giảm nhân lực và tăng cường độ chính xác trong thông tin.

Từ năm 2013, Tổng cục Lâm nghiệp (cũ) đã xây dựng Hệ thống nền thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (Hệ thống FORMIS). Hệ thống này đóng vai trò nền tảng để tiếp nhận, tích hợp, kết nối các phần mềm, ứng dụng chuyên ngành, phục vụ cho việc cập nhật dữ liệu, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành lâm nghiệp.

Hiện nhiều dữ liệu đã được tích hợp vào hệ thống như dữ liệu tài nguyên rừng, dữ liệu điều tra rừng quốc gia 5 chu kỳ, dữ liệu về điều kiện lập địa thích hợp cho trồng rừng, dữ liệu chi trả dịch vụ môi trường rừng, dữ liệu rừng ven biển, thông tin mùa vụ trồng rừng...

Cuối cùng là công nghệ về chế biến gỗ. Cục trưởng Cục Lâm nghiệp thông tin, nếu xét giá trị xuất khẩu, Việt Nam đang đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với kim ngạch khoảng 16 tỷ USD/năm. 

Để xuất khẩu giữ đà tăng, ông Bảo cho rằng cần nâng cao hơn nữa công nghệ chế biến đồ gỗ xuất khẩu, bởi Việt Nam đang sử dụng khoảng 70-80% nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước. Tuy nhiên, gỗ tại địa phương đa phần là các loại bạch đàn, keo, thông… có kích thước nhỏ, chưa thật phù hợp để sản xuất, chế biến ra các mặt hàng cao cấp.

Các đại biểu dự hội thảo cũng được nghe nhiều tham luận về ứng dụng công nghệ trong giám sát, quản lý tài nguyên rừng, cũng như kỹ thuật lâm sinh và công nghệ chọn tạo giống phù hợp với yêu cầu của thị trường hiện nay....

Hội thảo nằm trong chuỗi chương trình hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp và một loạt các sự kiện lớn khác như ngày truyền thống ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngày truyền thống ngành lâm nghiệp và ngày Nhà giáo Việt Nam.

Cũng trong sáng 15/11, Trường Đại học Lâm nghiệp đã cắt băng khai mạc Triển lãm Đào tạo - Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế tại khuôn viên nhà trường.

Nguồn: https://mard.gov.vn/Pages/cong-nghe-so-giong-va-che-bien-la-tru-cot-chinh-cua-nganh-lam-nghiep.aspx?item=51

Trụ sở: Nhà A4, số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: 024.37335804
Fax: 024.37335701
Email: pcttvietnam@mard.gov.vn
Ghi rõ nguồn "phongchongthientai.mard.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Thiết kế và Xây dựng bởiVGA SOFT

Công nghệ số, giống và chế biến là trụ cột chính của ngành lâm nghiệp