Xác định chuyển đổi số có ý nghĩa hết sức quan trọng, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ các HTX ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thông qua việc ứng dụng công nghệ số, nhiều HTX đã mở rộng được mạng lưới kinh doanh, kết nối quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Xác định chuyển đổi số có ý nghĩa hết sức quan trọng, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ các HTX ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thông qua việc ứng dụng công nghệ số, nhiều HTX đã mở rộng được mạng lưới kinh doanh, kết nối quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
HTX nông nghiệp Mai An Tiêm, xã Nga Thạch (Nga Sơn) ứng dụng chuyển đổi số
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, thực trạng chuyển đổi số của các HTX ở từng lĩnh vực có sự khác nhau. Trong đó, có khoảng 15% HTX nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản; áp dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh, phần mềm quản lý. Bên cạnh đó, có khoảng 10% HTX nông nghiệp bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá, bán hàng, thực hiện phương thức tiếp thị trên các nền tảng số, quảng cáo trên facebook, google... Điều kiện về trang thiết bị công nghệ thông tin của một số HTX cơ bản đáp ứng yêu cầu để áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, có khả năng đáp ứng việc nâng cấp, ứng dụng công nghệ số và cập nhật phần mềm quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, ở các HTX phi nông nghiệp, tỷ lệ ứng dụng công nghệ số được áp dụng cao hơn, từ 50 - 60% trong các khâu sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, bên cạnh việc tìm kiếm, kết nối và mở rộng thị trường bằng phương pháp truyền thống, HTX dịch vụ và sản xuất bánh lá Nga My 36, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) duy trì giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm bánh lá răng bừa trên các trang thương mại điện tử (TMĐT): nongsanthanhhoa.vn, Postmart.vn... Ngoài ra, HTX còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok; chủ động đưa nông sản lên sàn TMĐT, nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Chị Hoàng Thị Minh Ngà, giám đốc HTX, cho biết: Mặc dù đã có thị trường tiêu thụ ổn định là các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch của 4 doanh nghiệp, là: Công ty CP Thực phẩm sạch Lang Liêu, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Đức Nguyễn, Công ty CP Thực phẩm Lúa Vàng và Công ty Thực phẩm Như Ý, sau khi nghiên cứu nhận thấy, bán hàng trên nền tảng số giúp tiết kiệm chi phí, dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng không hạn chế về không gian lại chuyển tải được hết thông tin về quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm đến khách hàng. Vì vậy, từ cuối năm 2023, HTX đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ của HTX đạt hơn 30.000 chiếc bánh/tháng; trong đó, khoảng 10% được tiêu thụ qua nền tảng số.
Là một trong những HTX đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, ngay sau khi xây dựng được hệ thống nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, HTX nông nghiệp Mai An Tiêm, xã Nga Thạch (Nga Sơn) đã nghiên cứu lắp đặt hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Điều đáng lưu ý là toàn bộ hệ thống tưới được điều khiển tự động thông qua phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh. Do đó, dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có kết nối internet là có thể tưới, bón phân cho cây trồng. Ông Nguyễn Văn Nam, giám đốc HTX, cho biết: Xác định việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh mang đến những giá trị mới cho các HTX, do đó bên cạnh việc áp dụng vào sản xuất, HTX còn triển khai rộng rãi trong hoạt động quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như, chúng tôi thực hiện livestream quảng bá, bán sản phẩm trên nền tảng tiktok, facebook... và đưa các sản phẩm rau, củ, quả của HTX lên các trang mạng xã hội, sàn TMĐT Postmart, Shopee, Lazada, Tiki.... Mỗi tháng, HTX sản xuất và tiêu thụ khoảng 30 đến 40 tấn rau quả các loại. Đặc biệt, nhờ ưu việt của chuyển đổi số, HTX đã kết nối được nhiều đại lý, đơn vị tiêu thụ tại TP Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thực tế sản xuất trong khu vực kinh tế tập thể và HTX cho thấy, mặc dù đã có nhiều HTX ứng dụng thành công trong chuyển đối số, song nhìn chung năng lực, tư duy và khả năng thích ứng của các HTX với chuyển đổi số còn hạn chế. Trong đó, việc ứng dụng chủ yếu ở công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc còn ở các khâu chế biến, quản lý, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm nhiều. Nguyên nhân được đưa ra là do năng lực, trình độ của cán bộ quản lý còn hạn chế. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ quản lý, nhân lực trong các HTX chưa đủ năng lực khai thác thông tin, định hướng chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, tiếp cận thị trường số, làm việc trên môi trường mạng.
Ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong đội ngũ cán bộ quản lý, thành viên của HTX. Đồng thời, tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công để các HTX tỉnh học tập, ứng dụng. Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh sẽ rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng bền vững và vận dụng các nguồn lực để hỗ trợ trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số, nhất là ở khâu tiêu thụ sản phẩm cho các HTX.
Nguồn: https://mard.gov.vn/Pages/day-manh-chuyen-doi-so-trong-cac-hop-tac-xa.aspx?item=51