Ngày 2-3/11, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng về chuyển đổi số.
Ngày 2-3/11, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng về chuyển đổi số.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số cho biết: Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã đạt đến mức độ mà bất kỳ cá nhân, tổ chức, chính phủ nào cũng không thể tránh khỏi và đặt chúng ta vào một tình thế không thể thay đổi, buộc phải tiếp cận công nghệ - vấn đề giờ chỉ còn là tiếp cận công nghệ nào và như thế nào. Có rất nhiều thứ đúng, hợp lý trong môi trường truyền thống sẽ không còn đúng, không hợp lý trong môi trường mới. Do vậy, cần có một cách nhìn mới hướng tới tương lai, thay vì quay lưng về tương lai, nhìn vào quá khứ và định hình tương lai bằng quá khứ. Để chuyển đổi số thành công, chúng ta cần biết rõ chuyển cái gì, đó là Chuyển cách làm việc để ứng dụng công nghệ vào tiến trình công việc một cách hiệu quả; Chuyển cách nghĩ để có thể làm việc cùng với công nghệ hiệu quả; Chuyển cách hành động tiến tới việc phải định hình công việc cho mình. Cần Nắm được các công nghệ số muốn vận hành được thì cần cái gì và cần như thế nào? Nắm được mình cần phải có những năng lực gì để làm việc hiệu quả với các công nghệ số? Nắm được các công việc của đơn vị mình cần phải được thiết kế như thế nào?
Ông Nguyễn Kim Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã chỉ ra những vấn đề về an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước. Những tồn tại, hạn chế như nhận thức về an toàn, an ninh mạng chưa đầy đủ; việc triển khai, hướng dẫn và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về an toàn, an ninh mạng chưa kịp thời; việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành quy định, quy chế sử dụng mạng máy tính nội bộ, mạng máy tính có kết nối mạng Internet chưa đầy đủ, chưa cập nhật.
Nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an toàn thông tin trong thời gian tới là: Triển khai Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (Quyết định số 4056/QĐ-BNN-CĐS ngày 4/10/2023 của Bộ NN&PTNT); Bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ (Văn bản số 7109/BNN-CĐS ngày 04/10/2023 của Bộ NN&PTN); Biện pháp bảo vệ an ninh mạng (Văn bản số 7108/BNNCĐS ngày 04/10/2023 của Bộ NN&PTNT); Triển khai và duy trì công tác an toàn, an ninh mạng đồng bộ theo mô hình “4 lớp”, gồm: (1) Kiện toàn lực lượng tại chỗ; (2) Lựa chọn tối thiểu một tổ chức, doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; (3) Định kỳ thực hiện kiểm tra, đánh giá độc lập; (4) Kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia. Kiểm tra tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng; Diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng; Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến kỹ năng; Bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân.
Ông Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng phòng Chuyển đổi số và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã chỉ ra các giải pháp chuyển đổi số trong ngành NN&PTN, đó là: Cảm biến và mạng lưới IoT; Hệ thống quản lý nông trại thông minh; Trí tuệ nhân tạo; Blockchain; Truyền thông và thương mại điện tử; Robot và tự động hóa; Mạng lưới quản lý nông nghiệp thông minh; Học máy trong phân tích dữ liệu nông nghiệp; Đào tạo và giáo dục; Đối tác và cộng đồng; Định hướng dài hạn.
Ông Đỗ Minh Phương khẳng định: Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp là một quá trình liên tục và cần có một định hướng dài hạn. Việc xác định mục tiêu và kế hoạch chiến lược sẽ giúp định rõ hướng đi và cam kết của ngành nông nghiệp với việc sử dụng công nghệ và các giải pháp số hóa. Đồng thời, định hướng dài hạn cũng cần đảm bảo tính bền vững và tạo ra giá trị cho cả người nông dân và môi trường.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Theo nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/hoi-nghi-tap-huan-nang-cao-nhan-thuc-va-ky-nang-ve-chuyen-doi-so.aspx