Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, việc tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động phòng, chống thiên tai (PCTT) là việc làm cần thiết và cấp bách để tránh bị động trong mọi tình huống.
Hệ thống camera giám sát tại một số hồ chứa trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã từng bước trang bị các thiết bị công nghệ cao, ứng dụng những thành tựu KHCN trong lĩnh vực PCTT, góp phần quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành, ứng phó cũng như khắc phục hậu quả thiên tai.
Được sự hỗ trợ của Tổng cục Khí tượng thủy văn, Ngân hàng Thế giới, Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai miền Trung..., Thanh Hóa đã lắp đặt 94 trạm đo mưa tự động, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi. Các trạm đo mưa này được ứng dụng công nghệ cao, tự động báo số liệu mưa, thời gian mưa và cập nhật số liệu lên trang web của Tổng cục Khí tượng thủy văn. Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các huyện miền núi (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa), gồm 15 trạm đo mưa tự động; thành lập trung tâm thu nhận, xử lý, tính toán và ra bản tin cảnh báo mưa lớn có khả năng gây lũ quét... Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trạm đo mưa tự động đã cung cấp số liệu kịp thời, phản ánh chính xác diễn biến, cường độ mưa của từng khu vực trên địa bàn tỉnh, phục vụ đắc lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó thiên tai. Hỗ trợ các địa phương chủ động hơn trong việc sơ tán dân và triển khai các phương án ứng phó ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hộ đê, hồ đập...
Ông Khương Anh Tấn, Phó Chánh văn phòng Chỉ huy PCTT, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Văn phòng thường trực đã xây dựng được trang web để đăng tải kịp thời các công điện, văn bản chỉ đạo điều hành công tác PCTT và Tìm kiếm cứu nạn của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, các báo cáo nhanh, các văn bản pháp luật, các kiến thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai... Ngoài ra, để thông tin chỉ đạo, điều hành của tỉnh được kịp thời triển khai đến các cấp, các ngành, Văn phòng thường trực đã phối hợp với VNPT Thanh Hóa triển khai dịch vụ nhắn tin SMS đến các thành viên Ban Chỉ huy PCTT, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, lãnh đạo các địa phương, đơn vị liên quan để thông báo các công điện, văn bản chỉ đạo của tỉnh. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong cảnh báo sớm thông tin PCTT sẽ góp phần giúp thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong PCTT phát huy tối đa hiệu quả, đồng thời giúp các địa phương xây dựng sớm kịch bản phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiên tai.
Cùng với việc ứng dụng số trong công tác thông tin tuyên truyền, trong lĩnh vực thủy lợi, ngành chức năng của tỉnh cũng đã xây dựng bản đồ số hóa hệ thống công trình đê điều, hồ đập, bản đồ ngập lụt do nước dâng cho khu vực ven biển khi có tình huống bão mạnh và siêu bão đổ bộ, bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá khu vực miền núi; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về PCTT, phục vụ việc chỉ huy, điều hành của Ban Chỉ huy PCTT, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh khi có thiên tai xảy ra, bao gồm: kế hoạch, phương án PCTT, số liệu tổng hợp về sơ tán dân cư khỏi vùng nguy hiểm khi có thiên tai xảy ra; tổng hợp nhân sự, vật tư, phương tiện nhu yếu phẩm phục vụ cho công tác PCTT... Đặc biệt, việc kết nối phòng họp trực tuyến của Ban Chỉ huy PCTT, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia để tổ chức các cuộc họp trực tuyến khẩn khi có thiên tai, bão lụt xảy ra... đã góp phần thông tin nhanh chóng kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của ban chỉ đạo.
Có thể thấy, với sự hỗ trợ đắc lực của KHCN, chuyển đổi số, công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai ngày càng hiệu quả hơn. Nhờ đó, các ngành, đơn vị địa phương có đầy đủ thông tin để chỉ đạo, điều hành, giúp người dân hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người.
Tuy nhiên, theo ông Khương Anh Tấn, hiện nay, công tác ứng dụng KHCN, chuyển đổi số trong lĩnh vực PCTT vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Dữ liệu về hệ thống PCTT trên địa bàn tỉnh rất lớn, đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực để thực hiện việc số hóa dữ liệu hệ thống công trình phục vụ phòng tránh, ứng phó khi có thiên tai xảy ra; chưa có phần mềm, công nghệ dự báo, cảnh báo hiện đại, đặc biệt là công nghệ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Thanh Hóa là tỉnh lớn, hệ thống sông, hồ, công trình đê điều lớn, số lượng dân cư sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá nằm rải rác ở cả 3 vùng trung du, ven biển, miền núi gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành PCTT. Ngoài ra, cán bộ làm công tác PCTT chủ yếu là kiêm nghiệm, chưa có cán bộ chuyên trách...
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư cho công tác PCTT, trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai để chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; tăng cường ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, đẩy mạnh hiện đại hóa, tự động hóa các thiết bị kỹ thuật quan trắc tài nguyên và môi trường để nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu và PCTT; tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành; nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; đẩy mạnh ứng dụng KHCN, chuyển đổi số trong PCTT.
Bài và ảnh: Linh Hương